Con bò đang “gặm” cả sổ đỏ, xe cộ
Đứng tần ngần trước trại bò gần 100 con ở Hải Dương, anh Nguyễn Như Tuấn chia sẻ: “Nuôi bò tốn thức ăn chăn nuôi (TACN) nhiều lắm, bò càng lớn thì ăn càng nhiều, giá cám năm nay đã tăng nhiều lần, mà giá bò thịt hiện tại thì rẻ, người nuôi bò quy mô càng lớn thì càng lỗ. Tôi có người bạn lỗ mỗi tháng 1 tỉ đồng vì nuôi trâu, bò không bán được. Chính phủ nỗ lực kiềm chế tăng giá, nhưng giá TACN thì vẫn tăng, ăn hết cả vào lợi nhuận của người chăn nuôi, thậm chí nhiều người ví von rằng con bò đang “gặm” cả sổ đỏ, xe cộ của người nuôi”.
Giá thức ăn chăn nuôi cao nên người chăn nuôi gặp khó
Anh Trần Ngọc Nam, chủ trại bò tại Phú Yên, trăn trở: “Lúc giá xăng 21.000 đồng/lít thì giá cám 210.000 đồng/bao 25 kg, khi xăng lên 31.000 đồng/lít thì giá cám 350.000 đồng/bao. Nay xăng giảm về mức 24.000 đồng/lít thì giá cám vẫn giữ 350.000 đồng/bao. Người chăn nuôi đã tìm mọi cách giảm giá thành như cho ăn độn bắp, cỏ, nấu cơm gạo nở để thay thế, nhưng tình hình này càng nuôi càng lỗ”.
TACN cho heo còn đắt hơn, hiện giá cám đang ở ngưỡng 350.000 - 400.000 đồng/bao, tăng khoảng 150.000 đồng/bao so với thời điểm đầu năm và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Thắm, chủ một hộ nuôi ở Thanh Hóa, cho biết: “Giá TACN liên tục tăng cao ăn hết vào lợi nhuận của người chăn nuôi. Giá lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg, thì người nuôi mới hòa vốn. Còn để có chút lãi, giá lợn phải đạt 65.000 đồng/kg trở lên. Đợt vừa rồi giá heo hơi tăng lên một chút, nhưng sau đó đã giảm khiến người chăn nuôi rất phân vân vì không biết có nên tái đàn hay không”.
TACN là một trong những mặt hàng tăng giá liên tục và tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá TACN đã tăng giá 6 lần và chưa giảm một lần nào. Nhận định về thị trường thời gian qua, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đánh giá: “Mật độ tăng giá cám quá dày đặc, tính bình quân từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kéo giảm vật giá, nhưng nếu giá TACN không giảm thì giá heo hơi cũng khó giảm thêm được nữa vì hiện nay TACN chiếm đến 80% chi phí sản xuất, giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ”.
Phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu
Trả lời Thanh Niên, các doanh nghiệp TACN đều cho biết nguyên nhân tăng là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng trong thời gian qua, nguồn nhập khẩu bị hạn chế, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ.
Thực tế, TACN trong nước hiện nay lại đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài 80 - 90%, trong đó có những nguồn không thể thay thế được trong nước như lúa mì, đậu tương, và thậm chí là bắp. Đại diện Công ty Chăn nuôi C.P VN cho biết: “Chúng tôi đã từng liên kết với các vùng trồng bắp ở Sơn La, Đắk Lắk… để hỗ trợ thu mua bắp nguyên liệu, tuy nhiên chất lượng bắp sản xuất trong nước lại không đạt tiêu chuẩn, trong đó quan trọng nhất là kết quả kiểm định còn tồn dư một số độc tố trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy việc dùng nguyên liệu trong nước để thay thế vẫn còn nhiều mặt hạn chế”.
Trong khi đó, giá các loại nguyên liệu TACN như bắp, đậu tương, lúa mì, bột cá…lại đang có nhiều dấu hiệu bất ổn về nguồn cung. Đơn cử Pháp, nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất EU đang đối mặt với hạn hán làm sụt giảm sản lượng khoảng 18,5% so với năm 2021. 2 thị trường Argentina và Brazil, nơi VN nhập khẩu nguyên liệu TACN lớn nhất cũng đang gặp những vấn đề về thời tiết. Đó là tình hình khô hanh và sương giá tại miền trung Brazil đang gây ảnh hưởng sản lượng bắp, và tiến độ thu hoạch bắp niên vụ 2022 của Argentina cũng chậm hơn so với dự kiến.
Một doanh nghiệp sản xuất TACN tại Bình Dương chia sẻ: “Với những nguyên nhân về thời tiết nói trên, giá ngũ cốc thế giới vừa mới có dấu hiệu giảm vào tháng trước thì hiện nay đã tăng trở lại. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 8.8, hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11.2022 đã tăng lên mức 14,19 USD/giạ (tương đương 36 lít); ngô kỳ hạn tháng 12 tăng lên mức 6,06 USD/giạ... Giá bắp, đậu tương và lúa mì Mỹ cũng tăng do dự báo thời tiết nóng và khô trong tháng 8, là tháng quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây”.
Chỉ số giá ngũ cốc của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) trong tháng 7 đã giảm 11,5%. Cụ thể, giá của tất cả các loại ngũ cốc chủ lực đều giảm, dẫn đầu là lúa mì, trong đó giá thế giới giảm tới 14,5%, giá bắp cũng giảm 10,7%, giá gạo thế giới cũng lần đầu tiên giảm trong năm nay. Trên cơ sở đó, mặc dù còn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ nhưng giá TACN trong nước sẽ không biến động mạnh như thời điểm đầu năm.
Đại diện Cục Chăn nuôi
Theo thống kê, nguồn cung cấp bắp nhập khẩu về VN trong tháng 8 đạt thấp, chỉ quanh 600.000 tấn do một số tàu chở hàng bị trễ sang tháng 9. Giá bắp trong nước cũng tăng cao, miền Bắc 8.900 đồng/kg, miền Nam 8.000 đồng/kg. Một chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi tiết lộ, nguồn cung bắp hiện đang nhập khẩu về VN ít hơn do các doanh nghiệp sợ rủi ro, tồn kho thương mại ở mức thấp, giá nội địa dễ biến động nếu giá thế giới biến động mạnh.
Dự đoán về diễn biến giá cả nguyên liệu TACN trong thời gian tới, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định: “Chính phủ hiện nay đang nỗ lực kéo giảm vật giá thực phẩm tiêu dùng, trong đó kiểm soát chặt khâu trung gian, phân phối, vận chuyển, đầu cơ…Riêng khâu sản xuất hiện nay có những khó khăn mà không thể giải quyết ngay được, đó chính là giảm chi phí sản xuất, vì TACN phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đối với việc giảm giá xăng dầu, nó chỉ có ý nghĩa tác động tức thời trong khâu phân phối, còn đối với việc nhập khẩu nguyên liệu thì hầu như đều do các đối tác nước ngoài chi phối từ việc cung cấp hàng hóa, nguyên liệu đến phương tiện vận chuyển... Do đó rất khó kéo giảm được giá TACN từ đây đến cuối năm”.
Nguồn: ThanhNien.VN